Ngày 18 tháng 12, tuần Bát Nhật chuẩn bị lễ Giáng Sinh

                                      Ngày 18 tháng 12, tuần Bát Nhật chuẩn bị lễ Giáng Sinh
Bài đọc I: Gr 23, 5-8
“Ta sẽ gây cho Đavít một mầm giống công chính”.
Bài trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Đavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.
Chúa phán: “Vì thế, đã đến ngày chúng không còn nói được rằng: 'Chúa hằng sống, Người đã đưa con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập', nhưng chúng nói: 'Chúa hằng sống, Người đã đưa dòng dõi nhà Israel ra khỏi đất Bắc'; (và) từ các nước chúng bị Ta phân tán, Ta dẫn đưa chúng về quê hương.
Đó là lời Chúa.

Tin Mừng (Mt 1,18-24)
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo.
Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.
Câu chuyện
Tổ phụ Giuse trong Cựu ước mơ thấy bó lúa của các anh em cúi xuống thần phục bó lúa của mình; và trong một giấc mơ khác ông thấy mặt trời, mặt trăng, và 11 ngôi sao cúi mình trước mặt ông (x. St 37,5-9) ông đã kể lại với anh em và bị họ chế nhạo là “kẻ mơ màng”.Giấc mơ của Giuse là mạc khải của Thiên Chúa về tương lai: Giuse là người được Thiên Chúa tuyển chọn, trở thành tể tướng của nước Ai Cập, để cứu nước Ai Cập và gia đình của ông khỏi nạn đói. Bản thân Giuse là người công chính, luôn biết kính sợ Chúa, nên tâm hồn nhạy cảm dễ đón nhận mặc khải của Thiên Chúa. Ngoài ra, ông còn giải mã được những giấc mơ của người khác (x. St 40,1-20), đặc biệt hơn cho chính vua Ai Cập (x. St 41,1-36), sự giải mã những giấc mơ này là một phần của con đường Thiên ý: ông sẽ trở nên tể tướng bao bọc sự sống còn của cả dân tộc Ai Cập và gia đình ông. Chính ông đã nên hình ảnh báo trước về Giuse thời Tân ước.
Suy niệm 1 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Giuse thời Tân ước được báo mộng trong giấc mơ về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc hôn nhân giữa ông và Maria, việc nàng có thai không phải ý của phàm nhân nhưng dưới tác động của Thiên Chúa. Vì thế ông đã đón Maria về nhà mình theo sự báo mộng của Thiên thần thay vì có ý định ruồng bỏ nàng lúc phát hiện người bạn đời có thai (không phải của mình). Giấc mơ của Giuse đã thành hiện thực bởi sự tín trung vào Thiên Chúa với báo mộng về lời phán truyền của Ngôn sứ Isaia về Đấng Thiên Sai sẽ thành hiện thực ở nơi gia đình ông (x. Is 7,14-16). Chính con trẻ này trở nên ơn cứu độ và bao bọc cho cả nhân loại.
Sự huyền bí về giấc mơ của Giuse đưa chúng ta suy tư về hành trình của Thiên ý trong cuộc đời, mỗi người đi từ giấc mộng của niềm tin mà mỗi chúng ta đều mơ thấy qua Bí tích Rửa tội đến hiện thực của hôm nay và ngày mai: Chúng ta trở nên con Thiên Chúa và sống niềm tin chờ đợi để chính Ngài đón chúng ta vào Thiên quốc trong ngày Ngài quang lâm. Đó là giấc mơ của hôm nay đang sống trong chờ đợi, vào tương lai nơi Thiên Chúa hằng sống sẽ đến đón mọi người. Giấc mơ của Mùa Vọng đang được thực hiện trong bình an Giáng sinh, ngày Chúa giáng trần của hôm nay khi chúng ta cử hành kỷ niệm biến cố ấy và của ngày mai được Thiên Chúa đón rước vào vương quốc Ngài.Giấc mơ của Giuse - cha nuôi của Chúa Giêsu gợi cho chúng ta lòng tin tưởng vào Chúa quan phòng và sống vững tin chờ đợi: Giuse luôn sống trong thánh ý của Thiên Chúa. Ông luôn trung tín với Thiên ý dù sự việc diễn ra thật khó hiểu, đôi lúc không thể tin được như: Con Thiên Chúa Giáng sinh trong khó nghèo, chính Con Vua Trời lại trốn tránh dưới cơn bách hại của người phàm... Nhưng Giuse vẫn đi trong thánh ý và bước theo niềm tin vào lời báo trong mộng. Ông trung tín vào Thiên ý khi luôn săn sóc, bảo vệ gia đình Thánh gia: Con Thiên Chúa và Mẹ Người. Sự trung tín trong thánh ý đã khiến Giuse trở nên nhân vật tiêu biểu cho Mùa Vọng của mọi thời. Vì thế giấc mộng mà ông thị kiến, trở thành hiện thực không chỉ cho niềm ngóng trông của ông mà cho cả nhân loại như tên con trẻ “Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.Trong giấc mộng của Mùa Vọng, chúng ta được chiêm ngắm hình ảnh tương lai vào Đấng Emmanuel. Vì thế chúng ta không cảm thấy cô đơn, chán nản, thất vọng, bi quan trong đau khổ, vì được nhìn thấy trong giấc mộng Thiên ý: Đức Kitô - Đấng Emmanuel đang đi cùng với chúng ta, để biến những đau khổ của nhân loại thành một ý nghĩa cứu độ trên thập giá.
Chúng ta vui vì giấc mộng của Mùa Vọng sẽ được thành hiện thực. Ước gì tôi và bạn vẫn luôn tin và bước theo Chúa như Giuse bước đi từ giấc mộng đến hiện thực...
Ý lực sống
“Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7,14-16; Mt 1,23).

Suy niệm 2 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu nét thứ hai của Chúa Cứu Thế sắp sinh ra: Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở với loài người (c.23). Bài Phúc Âm cũng giới thiệu một người đóng vai trò tích cực cho việc Ngài sinh ra: Thánh Giuse.
1. Phần đóng góp của Thánh Giuse vào công trình nhập thể của Chúa Giêsu là:
a/ Cho Chúa Giêsu một tư cách pháp lý là con cháu Đavít, nhờ thế thực hiện đúng lời Thiên Chúa đã hứa xưa từ thời Cựu Ước c.20b: ”Này ông Giuse, là con cháu Đavít”; c.21 ”Ông sẽ đặt tên cho con trẻ”: Thánh Giuse đặt tên cho Chúa Giêsu nghĩa là nhận Chúa Giêsu là con mình theo pháp lý.
b/ Bao bọc Mẹ Maria và Chúa Giêsu: c.20c ”Đừng ngại đón Maria về”; c.24 ”Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”; c.25 ”và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.
2. Về ý định ban đầu, Thánh Giuse muốn bỏ đi cách âm thầm kín đáo, các chuyên viên Thánh Kinh còn chưa nhất trí nhau ở một số chi tiết. Nhưng mọi người đều nhất trí về động cơ hướng dẫn mọi hành động của thánh Giuse (ý định ban đầu, và quyết định ở lại sau đó), đó là vì ”Giuse là người công chính”. Một giải thích rất đáng lưu ý là: Ban đầu, Giuse biết mình không phải là cha của đứa bé nên vì công chính mà không dám nhận quyền làm cha, bởi đó định âm thầm ra đi (Công chính=không xâm phạm quyền lợi của người khác); sau đó khi biết ý Thiên Chúa muốn mình bảo bọc Đức Maria và Chúa Giêsu thì, cũng vì công chính nên Ngài đã ở lại (Công chính=thi hành ý Thiên Chúa).
3. Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp mọi nghèo nàn, túng thiếu, hèn hạ, khổ sở... Yêu thương là chia vui sẻ buồn, chia sẻ thân phận...
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”: Chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu Kitô. Muốn cứu người, không phải chỉ đứng xa chỉ tay năm ngón, hoặc vẽ kế hoạch rồi cho người khác thực hiện. Nhưng là chia sẻ thân phận, đồng hành, và cuối cùng là chịu thiệt vào thân, leo lên cây Thập Giá. Thập Giá là bước cuối cùng của nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô. Lạy Chúa, xin dạy con biết dấn thân phục vụ như Chúa.
2. Giuse đã thay đổi kế hoạch của mình để theo ý Chúa. Những nhận định và tính toán của ta, dù đầy thiện chí, nhiều khi lại không hợp với chương trình và ý định của Thiên Chúa. Người công chính là người biết bỏ ý riêng, biết thi hành ý Chúa, biết sống lời Fiat như Mẹ Maria, biết sống câu ”Xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha” như Chúa Giêsu.
3. Với con mắt người đời, tình yêu của đôi nam nữ Giuse và Maria xem ra chỉ là chuyện bình thường. Nhưng với kế hoạch của Thiên Chúa, với sự quảng đại đáp trả ơn Chúa gọi, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã góp phần cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa. Lạy Chúa, xin cho con biết dùng tình cảm và tình yêu của con để phục vụ Nước Chúa.
4. ”Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như thiên thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. (Mt 1,24)
Tên thánh của tôi là Giuse. Tôi rất tự hào về điều đó và thường tự hỏi ”Mình phải làm thế nào để trở nên giống thánh bổn mạng ?” Thánh Giuse đã làm như thiên thần dạy là đón nhận Đức trinh nữ Maria. Ngài chấp nhận cuộc sống âm thầm để phục vụ Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Còn tôi thì sao ? Một lần, tôi nhờ mẹ giặt hộ một bộ quần áo để đi dự tiệc. Vì bận việc, mẹ tôi đã quên. Tôi cằn nhằn và bỏ luôn buổi tiệc… Ngay cả chuyện nhỏ như vậy mà tôi chưa sẵn sàng vui vẻ đón nhận thì kể gì đến những chuyện lớn lao.
Xin Thánh Giuse dạy con biết khiêm tốn đón nhận và thực thi ý Chúa cách trọn vẹn như Ngài.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán

28.08.2022 Thánh Auguitino

30.01.2023 Thần ô uế