Hãy luôn tha thứ





 LỜI CHÚA THỨ NĂM TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN NĂM CHẴN 2020


(13/8/2020) – (Mt 18, 21 - 19, 1) – HÃY THA THỨ CHO NHAU


DỤ NGÔN TÊN MẮC NỢ KHÔNG BIẾT THƯƠNG XÓT (DỤ NGÔN HAI CON NỢ)


THÁNH PONTIANÔ, GHTĐ; VÀ THÁNH HIPPOLYTÔ, LMTĐ– Lễ nhớ


"THẦY KHÔNG BẢO CON PHẢI THA ĐẾN BẢY LẦN, NHƯNG ĐẾN BẢY MƯƠI LẦN BẢY".


BÀI ĐỌC I: Ed 12, 1-12


"Ngươi sẽ di cư giữa ban ngày trước mặt chúng".


Trích sách Tiên tri Êdêkiel.


Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, ngươi đang ở giữa dòng giống phản loạn, chúng có mắt để thấy mà không thấy, có tai để nghe mà không nghe, vì đó là dòng giống phản loạn. Phần ngươi, hỡi con người, hãy sửa soạn hành trang và hãy dời đi, giữa ban ngày, trước mặt chúng. Ngươi sẽ đi từ nơi đang ở đến một nơi khác, trước mặt chúng, để hoạ may chúng xem thấy, vì chúng là dòng giống phản loạn. Ngươi sẽ phô trương hành lý của ngươi như hành lý của người di cư giữa ban ngày trước mặt chúng, rồi ban chiều, ngươi sẽ ra đi trước mặt chúng như người di cư. Trước mắt chúng, ngươi hãy khoét tường mà chui ra. Trước mắt chúng, ngươi sẽ mang hành trang trên vai và đi ra trong bóng tối, Ngươi sẽ che mặt ngươi để đừng thấy xứ sở, vì Ta đã làm cho ngươi thành biểu hiệu cho nhà Israel".


Vậy tôi đã thi hành như Chúa đã truyền cho tôi, tôi phô trương hành trang của tôi như hành trang của kẻ di cư, giữa ban ngày, và ban chiều, tôi lấy tay khoét một cái lỗ trong tường, vai mang hành trang, và ra đi trước mặt chúng trong đêm tối.


Và ban sáng có lời Chúa phán cùng tôi rằng: "Hỡi con người, nào nhà Israel, dòng giống phản loạn, đã chẳng hỏi ngươi rằng: 'Ông làm gì vậy?' Hãy bảo chúng: 'Chúa là Thiên Chúa phán rằng: Sấm ngôn này chỉ về thủ lãnh ở Giêrusalem và cả nhà Israel ở đó'. Hãy nói: 'Tôi là biểu hiệu cho các ngươi. Tôi đã làm thế nào thì việc sẽ xảy ra như vậy'. Chúng sẽ phải di cư và đi làm tôi. Và ai là thủ lãnh các chúng, người đó sẽ mang hành trang trên vai ra đi trong bóng tối, và chúng sẽ khoét tường mà đem ông ra. Mặt ông bị che kín để mắt khỏi thấy xứ sở".


Đó là lời Chúa.


ĐÁP CA: Tv 77, 56-57. 58-59. 61-62


Đáp: Các ngươi đừng quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).


Xướng:


1) Họ đã thử thách và phản nghịch Thiên Chúa Tối Cao, và họ không tuân giữ các huấn lệnh của Người. Họ lùi bước và bội tín cũng như tổ tiên họ, họ lầm lạc như cánh cung trật đường giây. - Đáp.


2) Họ chọc giận Người vì những nơi "thờ tự" trên cao, họ khiêu khích lòng ghen Người vì bao thần tượng. Thiên Chúa nghe biết và bừng cơn thịnh nộ, Người đã từ bỏ Israel một cách đắng cay. - Đáp.


3) Người trao nạp sức mạnh mình cho thiên hạ bắt bớ, và vinh quang mình trong tay kẻ nghịch thù. Người bỏ mặc dân tộc Người cho cảnh gươm đao, và Người đã xung giận phần gia nghiệp của Người. - Đáp.


ALLELUIA: Tv 110, 8ab


Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. - Alleluia.


PHÚC ÂM: Mt 18, 21 - 19, 1


"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.


Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.


"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả'. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.


"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: 'Hãy trả nợ cho ta'. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh'. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: 'Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?' Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.


"Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".


Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.


Đó là lời Chúa.


________________________________________


I/. VÀI NÉT VỀ THÁNH PONTIANÔ, GHTĐ; VÀ THÁNH HIPPOLYTÔ, LMTĐ– Lễ nhớ (13/8)


Vào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo.


Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Ðức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Ðức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.


Hippolytus là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Ðức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Ðức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Ðức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia.


Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, một phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Ðức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã được cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Ðức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Ðức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.


(Nguồn: Nguoitinhuu.com)


_______________________________________


II/. BÀI SUY NIỆM (Mt 18, 21 - 19, 1) – HÃY THA THỨ


"THẦY KHÔNG BẢO CON PHẢI THA ĐẾN BẢY LẦN, NHƯNG ĐẾN BẢY MƯƠI LẦN BẢY”.


Hôm nay thứ Năm tuần XIX Thường niên, chúng ta đi đến phần kết Chương 18 Phúc âm Matthêu, để được nghe Bài giảng cuối cùng của Chúa Giêsu về Giáo hội.


Bài giảng hôm nay có chủ đề: ANH EM HÃY THA THỨ CHO NHAU, và Bài giảng được minh họa bằng một dụ ngôn rất sâu sắc: DỤ NGÔN TÊN MẮC NỢ KHÔNG BIẾT THƯƠNG XÓT.


Bên cạnh chủ đề: SỬA LỖI CHO NHAU mà ngày hôm qua ta đã đề cập, hôm nay ta gặp một chủ đề kế tiếp đó là: HÃY THA THỨ CHO NHAU.


Cả 2 chủ đề này đều liên quan mật thiết với nhau, vì khi sửa lỗi cho anh em, thì thái độ luôn phải có, đó là PHẢI BIẾT THA THỨ, vì sửa lỗi cho người khác mà không có sự tha thứ thì cũng uổng công vô ích.


Cả 2 chủ đề này đều là những vấn đề rất nhạy cảm, nóng bỏng và gặp thường xuyên trong đời sống cộng đoàn.


Chỉ có trong cộng đoàn ta mới gặp những vấn đề này. Còn những ai thích sống khép kín, tách biệt với người khác, xa lánh cộng đoàn,  hẳn sẽ không gặp.


Vì thế 2 bài giảng : HÃY SỬA LỖI – HÃY THA THỨ luôn có giá trị cốt lõi trong đời sống cộng đoàn: cộng đoàn tu; các gia đình cầu nguyện; gia đình; giáo xứ và mở rộng ra là Giáo hội và xã hội.


Bài Tin mừng được mở đầu bằng một câu hỏi rất hay của thánh Phêrô đặt ra cho Chúa Giêsu:


“KHI ẤY, PHÊRÔ ĐẾN THƯA CÙNG CHÚA GIÊSU RẰNG: "LẠY THẦY, KHI ANH EM XÚC PHẠM ĐẾN CON, CON PHẢI THA THỨ CHO HỌ MẤY LẦN? CÓ PHẢI ĐẾN BẢY LẦN KHÔNG?"


“PHÊRÔ ĐẾN THƯA CÙNG CHÚA GIÊSU RẰNG”.


Khi thánh Phêrô đặt câu hỏi này, ông không lấy tư cách của riêng cá nhân ông, mà ông đang lấy tư cách của vị đứng đầu Giáo hội.


Phêrô đang muốn xây dựng một quy tắc ứng xử trong Giáo hội.


“LẠY THẦY, KHI ANH EM XÚC PHẠM ĐẾN CON”.


Phêrô cũng không đề cập đến vấn đề cụ thể: xúc phạm cái gì và xúc phạm thế nào. Phêrô chỉ nói là “XÚC PHẠM”, có nghĩa đó là những tổn thương mà người khác đã gây ra cho mình, Đó có thể là tổn thương vật chất và có khi tổn thương đến cả tinh thần.


Sự xúc phạm nào cũng gây ra vết thương đau đớn trong tâm hồn. Người bị xúc phạm khó bỏ qua được.


Thế nhưng Phêrô không nghĩ ngay đến việc trả đũa, đáp trả, mà ông lại nghĩ ngay đến việc “THA THỨ”. Thật quảng đại và bao dung.


“CON PHẢI THA THỨ CHO HỌ MẤY LẦN?.


Câu hỏi này có vẻ như một thách đố cho lòng nhân từ của con người.


Tha thứ bao nhiêu lần mới chấp nhận được, mới đủ ?.


Câu hỏi này cũng dược đặt ra cho cả Luật Môsê.


Luật Môsê đề nghị THA ĐẾN 3 LẦN. Và Luật Môsê còn đưa ra Luật TALLIONS (mắt đền mắt, răng đền răng), không những không tha thứ mà còn cho phép trả thù trong một mức độ giới hạn cho phép, thể hiện sự công bằng.


Nhưng ở đây, Phêrô cũng tự đề nghị một con số, đó là CON SỐ 7.


“CÓ PHẢI ĐẾN BẢY LẦN KHÔNG?"


Khi đưa ra con số 7 này, quả là Phêrô đã đi quá mức Luật Cựu ước đòi hỏi, và cũng đi quá đối với người quân tử.


Thông thường trong xã hội từ xưa đến nay, người ta chỉ nghĩ đến CON SỐ 3, (quá tam ba bận).


Con số 3 đã là quá nhiều rồi, có người còn chưa đạt đến CON SỐ 1. Phải nói thật lòng, khó ai có thể tha thứ cho người khác đến 3 lần.


Chỉ tha thứ 1 lần thôi là quá nhiều, đến lần thứ 2, người ta sẽ tỏ ra rất khó chịu và khó có thể tha thứ được nữa vì sợ BỊ NHỜN MẶT.


Như vậy ta thấy ngay, Phêrô sau một thời gian đi theo Chúa và được Chúa cảm hóa, con người của ông đã thay đổi và  thay vì một con người nóng nảy, bốc đồng, nay ông trở thành con người đầy lòng nhân từ và khoan dung trước sự xúc phạm của người khác.


Thật đáng khen.


NHƯNG CHÚA GIÊSU CHƯA VỪA Ý VỚI CÂU TRẢ LỜI CỦA PHÊRÔ.


Matthêu viết:


“CHÚA GIÊSU ĐÁP: "THẦY KHÔNG BẢO CON PHẢI THA ĐẾN BẢY LẦN, NHƯNG ĐẾN BẢY MƯƠI LẦN BẢY”


"THẦY KHÔNG BẢO CON PHẢI THA ĐẾN BẢY LẦN, NHƯNG ĐẾN BẢY MƯƠI LẦN BẢY”


Khi Phêrô dùng CON SỐ 7 tưởng là đã hay, Chúa Giêsu cũng dùng lại CON SỐ 7, nhưng Ngài đã nhân nó lên rất nhiều lần.


NHƯ VẬY CÂU TRẢ LỜI CỦA CHÚA KHÔNG CÒN LÀ CON SỐ 7 MÀ LÀ MỘT CON SỐ THẬT KHỦNG KHIẾP.


Ý Chúa muốn dạy cho Phêrô một bài học:


ĐỪNG DÙNG BẤT KỲ CON SỐ NÀO ĐỂ GIỚI HAN LÒNG NHÂN TỪ, TÌNH YÊU VÀ SỰ THA THỨ.


Có nghĩa phải tha thứ luôn luôn, tha thứ KHÔNG GIỚI HẠN.


Độc giả có thể toát mồ hôi, giật mình với yêu cầu của Chúa Giêsu.


Nhưng Chúa đưa ra điều này hoàn toàn có cơ sở và hợp lý, vì Ngài lấy từ chính bản thân của Ngài.


Thử hỏi rằng: chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa mấy lần ?


Có thể là một con số rất lớn mà ta không thể nhớ.


Một người như vậy, rồi cả hàng tỷ tỷ người trên thế giới, thì quả thật đó là SỰ XÚC PHẠM KINH KHỦNG.


Không biết Chúa phải tha thứ cho con người mấy lần mới đủ. Các con số mà ta có thể tưởng tượng ra thật vô nghĩa.


Chính vì vậy, chỉ với cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá, máu của Ngài mới có thể tảy sạch tội lỗi con người.


Ôi ! một tình tình yêu cao vời và sâu thẳm, mà chúng ta chỉ biết chiêm ngưỡng và ca ngợi.


Như vậy, với giải pháp mà Phêrô đưa ra, hoặc một ai đó đưa ra chẳng đáng gì so với Thiên Chúa.


Và để minh họa cho sự tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa, nó là nguồn cảm hứng để Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn rất sâu sắc:


DỤ NGÔN TÊN MẰC NỢ KHÔNG BIẾT THƯƠNG XÓT (hay DỤ NGÔN HAI CON NỢ)


Đây là Dụ ngôn kinh điển trong Phúc âm Matthêu và chỉ có mình Matthêu tường thuật.


“VỀ VẤN ĐỀ NÀY, THÌ NƯỚC TRỜI CŨNG GIỐNG NHƯ ÔNG VUA KIA MUỐN TÍNH SỔ VỚI CÁC ĐẦY TỚ.


TRƯỚC HẾT NGƯỜI TA DẪN ĐẾN VUA MỘT NGƯỜI MẮC NỢ MƯỜI NGÀN NÉN BẠC. NGƯỜI NÀY KHÔNG CÓ GÌ TRẢ, NÊN CHỦ RA LỆNH BÁN Y, VỢ CON VÀ TẤT CẢ TÀI SẢN CỦA Y ĐỂ TRẢ HẾT NỢ.


NGƯỜI ĐẦY TỚ LIỀN SẤP MÌNH DƯỚI CHÂN CHỦ VÀ VAN LƠN RẰNG: ‘XIN VUI LÒNG CHO TÔI KHẤT MỘT KỲ HẠN, VÀ TÔI SẼ TRẢ LẠI CHO NGÀI TẤT CẢ’. NGƯỜI CHỦ ĐỘNG LÒNG THƯƠNG, TRẢ TỰ DO VÀ THA NỢ CHO Y”.


Để minh hoạ cho câu trả lời của Chúa Giêsu: “THẦY KHÔNG BẢO CON PHẢI THA ĐẾN BẢY LẦN, NHƯNG ĐẾN BẢY MƯƠI LẦN BẢY”. Chúa Giêsu đã đưa ra Dụ ngôn: “HAI CON NỢ”.


“VỀ VẤN ĐỀ NÀY, THÌ NƯỚC TRỜI CŨNG GIỐNG NHƯ…”


Matthêu nói rõ: Đây không còn là Dụ ngôn về lòng tha thứ, mà Dụ ngôn đó đã được nâng lên một mức cao hơn, đó là DỤ NGÔN VỀ NƯỚC TRỜI.


“TÍNH SỔ”


Chúa Giêsu hướng chúng ta đến ngày Cánh chung, ngày Tận thế, đó là ngày THIÊN CHÚA MUỐN TÍNH SỔ VỚI CÁC ĐẦY TỚ. có nghĩa Thiên Chúa sẽ tính sổ với chúng ta về những gì ta đã làm khi còn sống ở đòi này.


Cụm từ “TÍNH SỔ”, nó gợi cho chúng ta phải giải quyết những món nợ khó đòi, những ân oán cần phải giải quyết. Tất cả chúng ta đều là con nợ đối với Chúa, ta nợ Ngài rất nhiều thứ, và dĩ nhiên số nợ của mỗi người không ai giống ai.


Và người đầu tiên được dẫn đến, đó là người mắc nợ nhiều nhất.


Matthêu mô tả người này “MẮC NỢ MƯỜI NGÀN NÉN BẠC”.


Theo cách tính thời đó: một yến vàng tương đương với số tiền của 6.000 ngày công, hoặc quy ra đôla: gần 5 triệu đôla. Một món nợ khổng lồ, Matthêu nói: “NGƯỜI NÀY KHÔNG CÓ GÌ TRẢ”.


Mặc dù không có gì để trả nhưng vẫn phải trả, ông chủ mới đề nghị bán tất cả những gì anh có để trả nợ. “BÁN Y, VỢ CON VÀ TẤT CẢ TÀI SẢN CỦA Y ĐỂ TRẢ HẾT NỢ”.


Tài sản, tiền bạc, tuy rất lớn, nhưng dù sao nó vẫn có thể đếm và kiểm kê được. Còn vợ, con là một tài sản vô giá, không thể định lượng được.


Như vậy, với món nợ này anh ta phải dùng tất cả những gì mình có để trả nợ.


Anh ta liền sấp mình van xin chủ cho khất một thời gian. Nhưng ông chủ biết rõ trong khả năng của người này cho dù có cho bao nhiêu thời gian đi nữa anh ta cũng không thể trả nợ được.


Nhưng nợ nần vẫn phải thanh toán, như vậy chỉ còn cách xoá nợ cho anh ta thôi: “NGƯỜI CHỦ ĐỘNG LÒNG THƯƠNG, TRẢ TỰ DO VÀ THA NỢ CHO Y”.


Ông chủ đã tỏ lòng thương xót anh vì anh ta đã van xin, không những anh được trả tự do mà còn được tha hết nợ.


Ông chủ vô cùng khoan dung, độ lượng và đầy nhân từ. Một món nợ khổng lồ như vậy mà nói xóa là xóa ngay, không hề lưỡng lự, đắn đo. Nó chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng yêu thương ta như vậy, dù tội lỗi ta có nhiều đến đâu, có ngập đầu thế nào. Nhưng Ngài chỉ nói xóa là xóa ngay, ta trở lại trong trắng như thưở ban đầu mới được tạo dựng.


Đây mới chỉ là phần đầu của Dụ ngôn, diễn tả lòng tương xót của Thiên Chúa đối với con người.


Sang phần kế tiếp, mới là mục đích và ý nghĩa mà dụ ngôn muốn nhắm đến, diễn tả sự đối xử giữa con người với nhau


KHI RA VỀ, TÊN ĐẦY TỚ GẶP MỘT NGƯỜI BẠN MẮC NỢ Y MỘT TRĂM BẠC:


Y TÓM LẤY, BÓP CỔ MÀ NÓI RẰNG: ‘HÃY TRẢ NỢ CHO TA’. BẤY GIỜ NGƯỜI BẠN SẤP MÌNH DƯỚI CHÂN VÀ VAN LƠN RẰNG: ‘XIN VUI LÒNG CHO TÔI KHẤT MỘT KỲ HẠN, TÔI SẼ TRẢ HẾT NỢ CHO ANH’.


Y KHÔNG NGHE, BẮT NGƯỜI BẠN TỐNG GIAM VÀO NGỤC, CHO ĐẾN KHI TRẢ NỢ XONG.


CÁC BẠN Y CHỨNG KIẾN CẢNH TƯỢNG ĐÓ, RẤT KHỔ TÂM, HỌ LIỀN ĐI THUẬT VỚI CHỦ TẤT CẢ CÂU TRUYỆN.


BẤY GIỜ CHỦ ĐÒI Y ĐẾN VÀ BẢO RẰNG: ‘TÊN ĐẦY TỚ ÁC ĐỘC KIA, TA ĐÃ THA HẾT NỢ CHO NGƯƠI, VÌ NGƯƠI ĐÃ VAN XIN TA; CÒN NGƯƠI, SAO NGƯƠI KHÔNG CHỊU THƯƠNG BẠN NGƯƠI NHƯ TA ĐÃ THƯƠNG NGƯƠI?’ CHỦ NỔI GIẬN, TRAO Y CHO LÝ HÌNH HÀNH HẠ, CHO ĐẾN KHI TRẢ HẾT NỢ”


Người vừa được chủ tha cho món nợ khổng lồ, nhưng anh ta lại không tha cho một người bạn mắc nợ anh ta một món nợ không đáng kể. Anh ta đã bị lên án vì không có lòng xót thương.


Những hình ảnh trái ngược trong dụ ngôn giữa Vua và đầy tớ; giữa mười ngàn nén vàng và một trăm quan tiền cho ta thấy tình thương và sự tha thứ của Chúa đối với chúng ta thế nào, đồng thời nó biểu lộ lòng bao dung, quảng đại của Thiên Chúa đối với con người chúng ta.


Sự tương phản giữ hai món nợ và cách xử sự cho ta thấy rõ sự ác độc của kẻ đã được tha thứ này. Số tiền anh được tha là mười ngàn yến vàng (tálanton) tương xứng với khỏang 4.8 triệu Mỹ-kim (một yến vàng giá 5000-6000 quan tiền) trong khi bạn anh chỉ nợ 100 quan tiền (khoảng 10 Mỹ-kim). Nếu so sánh giữa hai món nợ, số tiền bạn anh nợ chưa đáng số lẻ của món nợ anh được tha.


Chúng ta mắc nợ với Thiên Chúa, xúc phạm đến Ngài thì nhiều vô kể, không thể nào đếm, còn sự xúc phạm của người khác đối với ta có đáng là bao, thế mà chúng ta cứ luôn nhớ đến sự xúc phạm của người khác đối với mình, còn ta lại không nghĩ đến sự xúc phạm của ta đối với Chúa. Ta cứ nhớ mãi khuyết điểm của người khác và luôn tìm cách chì chiết, đay nghiến họ.


Dụ ngôn mà Chúa Giêsu đưa ra hôm nay nhắc nhở chúng ta biết rằng: Tại sao ta lại phải tha thứ cho anh em và phải tha thứ một cách không giới hạn, vì chính Chúa đã tha thứ cho chúng ta trước, đã tha cho chúng ta những món nợ khổng lồ, và chính cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá giá đã đóng đinh tất cả tội lỗi chúng ta vào đó.


“CÁC BẠN Y CHỨNG KIẾN CẢNH TƯỢNG ĐÓ, RẤT KHỔ TÂM, HỌ LIỀN ĐI THUẬT VỚI CHỦ TẤT CẢ CÂU TRUYỆN.”


Chúng ta đừng nghĩ phải nhờ các bạn của anh ta đến thuật lại cho nhà vua, nhà vua mới biết. Nhưng Thiên Chúa đã thấy tất cả, Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự, không cần phải đợi đến người khác thuật lại.


“CHỦ NỔI GIẬN, TRAO Y CHO LÝ HÌNH HÀNH HẠ, CHO ĐẾN KHI TRẢ HẾT NỢ”


Bấy giờ, Ông chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, sao ngươi không thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi?”


Rồi ông chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.


Làm sao chúng ta trả hết nợ cho Thiên Chúa ở đời sau. Cuộc sống ở hỏa ngục thật khủng khiếp, rùng rợn. Cuộc sống đó vĩnh viễn vì những món nợ mà ta không thể trả hết được.


Đây là một lời cảnh báo cho những ai không biết tha thứ cho anh em mình.


Dụ ngôn thật dễ hiểu, không cần phải giải thích thêm. Chúa Giêsu đã kết luận Dụ ngôn bằng một bài học:


“VẬY, CHA THẦY TRÊN TRỜI CŨNG XỬ VỚI CÁC CON ĐÚNG NHƯ THẾ, NẾU MỖI NGƯỜI TRONG CÁC CON KHÔNG HẾT LÒNG THA THỨ CHO ANH EM MÌNH.”


Đây là câu kết thúc Dụ ngôn và cũng kết thúc Chương 18. Chúa Giêsu nhấn mạnh: Chúa Cha cũng đối xử với chúng ta theo cách chúng ta đối xử với nhau.


Ngài sẽ dùng chính cái đấu mà ta đong cho anh em để đong lại cho chúng ta. Nếu chúng ta không biết tha thứ cho nhau thì chúng ta đừng mong gì Thiên Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ.


“KHI CHÚA GIÊSU NÓI NHỮNG LỜI ĐÓ XONG, THÌ NGƯỜI BỎ XỨ GALILÊA MÀ ĐẾN GIUĐÊA, BÊN KIA SÔNG GIOĐAN”. (Mt 19, 1)


Đây là câu đầu tiên của Chương 19. Chương 19 có chủ đề: NƯỚC TRỜI – TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN GẦN.


Chúa Giêsu trở về Giuđêa bên kia con sông Gioađan là nơi Gioan đã làm phép rửa cho ngừời Do Thái. Sự hiện diện của Chúa Giêsu tại con sông này báo hiệu cho mọi người biết: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.


TRONG BÀI ĐỌC I Trích sách Tiên tri Êdêkiel, con cái Israel đã phạm tội, lỗi nghĩa với Đức Chúa. Ngài đã gởi ngôn sứ Ezekiel đến để tố cáo tội lỗi của họ, và đe dọa chiến tranh và lưu đày sẽ xảy ra; nhưng họ vẫn không ăn năn sám hối. Đức Chúa gọi họ là giống nòi phản loạn, có mắt không nhìn, có tai không nghe; vì thế họ sẽ bị tiêu diệt bởi chiến tranh và đói khát.


Với Bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện sau đây:


Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và luôn khoan dung tha thứ. Xin giúp con bắt chước Chúa mà tha thứ cho anh em như Chúa đã tha thứ cho con.


Amen.


__________________________


Giuse Vĩnh Tâm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán

28.08.2022 Thánh Auguitino

30.01.2023 Thần ô uế